Image1\

Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội: Đưa GIS vào quản lý đất

Hệ thống thông tin địa lý (Geographic Information System - GIS) - một công nghệ lập bản đồ, quản lý, phân tích và hiển thị tri thức địa lý - đang phát huy tác dụng ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) và hứa hẹn sẽ mang lại những dịch vụ công về đất đai hiệu quả.

NHỮNG THAY ĐỔI NHỜ GIS

HBT là một quận lớn của TP. Hà Nội (HN) với 1.005 tổ chức, sử dụng 1.300 lô đất, chưa kể gần 20.000 chủ sử dụng nhà tập thể, hơn 17.000 chủ sử dụng đất thuộc Nhà Nước... Khối lượng hồ sơ, tài liệu lưu trữ rất lớn và nhiều chủng loại, khiến việc quản lý gặp nhiều khó khăn.
Từ khi về nhận công tác tại Phòng Tài Nguyên – Môi Trường (TN-MT) quận HBT, ông Bùi Văn Hải , trưởng phòng đã thường xuyên gặp các công ty tin học để tìm một giải pháp quản lý thông tin, bản đồ đất đai tốt hơn. Thế nhưng, phải đến khi DMC Group, một tập đoàn chuyên về phát triển và ứng dụng công nghệ GIS, đặt vấn đề hợp tác để số hóa toàn bộ CSDL đất đai trên địa bàn quận, mọi ý tưởng mới trở nên khả thi

Bên cạnh ứng dụng GIS xây dựng ngân hàng dữ liệu về đất đai, dự án "Ứng dụng CNTT xây dựng hệ thống thông tin địa lý phục vụ quản lý nhà nước và đô thị” của quận HBT cũng được tiến hành. Dự án này hiện mang đến một số kết quả: số hóa toàn bộ CSDL về đất đai trên địa bàn quận theo công nghệ GIS, một số mô-đun nghiệp vụ đã được đưa vào ứng dụng như quản lý thông tin đất đai, cập nhật thông tin hồ sơ, cập nhật biến động bản đồ, quản lý biến động. Đối với nhu cầu quản lý đất đai cấp quận tại Phòng TN-MT quận, dự án hỗ trợ xây dựng quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ đất đai và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ) trên môi trường mạng LAN.

Với hệ thống mới, cán bộ chuyên môn có thể tiếp nhận, xem và duyệt hồ sơ ngay trên mạng từ CSDL bản đồ số hóa, nên chỉ mất 5 phút (tối đa là 30 phút) để hoàn tất quy trình cấp GCN QSDĐ thay vì 2 ngày như trước đây. Ông Phùng Anh Quân, cán bộ trực tiếp làm công tác cấp GCN QSDĐ cho biết: đến nay, quận đã thực hiện 95% việc cấp GCN QSDĐ.

Bên cạnh đó, nhờ CSDL bản đồ số hóa, công tác quản lý hồ sơ dữ liệu về địa chính – nhà đất, cấp các loại giấy phép xây dựng, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà... cũng được đơn giản hóa; các hồ sơ báo cáo, thống kê đều được lập tự động theo mẫu quy định.

Hiện tại, mỗi ngành đều tự đo vẽ lấy các bản đồ để phục vụ công tác quản lý trong lĩnh vực của mình.Việc đo vẽ bản đồ theo cách làm thủ công tiêu phí thời gian, công sức, tiền bạc mà vẫn luôn không đúng thực tế và không chia sẻ được dữ liệu cho nhau. Theo ông Quân, trước đây, mỗi khi xét duyệt để cấp GCN QSDĐ, cán bộ chuyên trách phải chồng nhiều lớp bản đồ giấy lên nhau để đối chiếu. Thao tác thủ công này không thể tránh khỏi sai sót. Về kinh phí, để vẽ một tờ bản đồ địa chính của một phường ở HN mất 1- 2 tỷ đồng (tùy theo địa bàn phường lớn hay nhỏ). HN có 232 phường; để vẽ xong bản đồ của TP. HN phải tốn khoảng trên 100 tỷ đồng và phải mất 5 năm. Trong thời gian 5 năm đó, có rất nhiều thay đổi và bản đồ vừa vẽ xong đã trở nên lạc hậu.

TRIỂN VỌNG DỊCH VỤ CÔNG TRÊN MẠNG

Giải pháp DMC ProLAN của tập đoàn DMC là một bản đồ nền do công ty xây dựng, từng ngành sẽ đưa thêm vào đó dữ liệu để có bản đồ chuyên ngành. Tất cả CSDL bản đồ được chia sẻ trên mạng LAN. Khi cần tham khảo, cán bộ có thể sử dụng công nghệ chồng ghép bản đồ để đối chiếu. Đối với những thay đổi trên thực địa, chỉ cần cập nhật mới về dữ liệu mà không cần phải đo vẽ lại khu vực đó. Điểm nổi bật trong giải pháp DMC ProLAN là khả năng liên kết giữa thông tin dữ liệu và thông tin bản đồ. Khi cập nhật dữ liệu, bản đồ sẽ tự động điều chỉnh, ngược lại, khi chỉnh sửa bản đồ, dữ liệu cũng sẽ tự động cập nhật. Nhờ đó, bản đồ chỉ cần vẽ một lần nhưng vẫn luôn mới.

CSDL bản đồ được số hóa, kết hợp với công nghệ DMC Internet MAP (công cụ cho phép tích hợp giữa mạng LAN và mạng Internet) có thể giúp lãnh đạo quản lý ngay trên mạng hoặc cung cấp dịch vụ phục vụ người dân trên mạng Internet. Hiện đã có trên 10 quận, huyện và hàng trăm khu đô thị mới sử dụng công cụ này để giới thiệu thông tin trên basao.com.vn. Website Chính Phủ (www.chinhphu.vn) cũng đang sử dụng công nghệ này để đưa thông tin về bản đồ hành chính của một số quận, huyện. Theo ông Nguyễn Hoài Phương, chủ tịch tập đoàn DMC, để thông tin bản đồ trở thành dịch vụ có ý nghĩa, vấn đề mấu chốt là các cấp quận/huyện phải số hóa CSDL bản đồ và thường xuyên cập nhật. CSDL càng đầy đủ, dịch vụ càng hiệu quả. Người dân có thể xem thông tin chi tiết đến từng ngôi nhà, từng thửa đất.

Ngoài ra, với DMC Internet MAP, ông Hải cho biết, quận HBT đang có kế hoạch lắp đặt các trạm thông tin để người dân có thể tự tra cứu thông tin và trả tiền. Tùy từng cấp phường/xã hay quận, huyện và mức phí dịch vụ, người dân có thể tự tìm kiếm các thông tin cần thiết thay vì phải hỏi trực tiếp các cán bộ địa chính. Hiện tại, quy trình và chính sách cho việc cung cấp thông tin về đất đai tới người dân đã được phòng TN-MT hoàn tất và chờ phê duyệt. Nếu được thông qua, trong năm 2007, người dân quận HBT có thể tiếp cận các dịch vụ công về đất đai một cách thuận tiện.

QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI Ở QUẬN, HUYỆN: CẦN THAY ĐỔI CÁCH LÀM

Trong lĩnh vực quản lý đất đai, thông tin tập trung nhiều ở cấp quận, huyện và phải được cập nhật, khai thác, xử lý thường xuyên. Thế nhưng ở nhiều quận, huyện trên toàn quốc, việc ứng dụng CNTT để quản lý còn yếu vì nhiều nguyên do, trong đó một phần do đội ngũ cán bộ quản lý trình độ không đồng đều, phần lớn chỉ sử dụng được phần mềm (PM) văn phòng.
Về CSDL bản đồ, tuy một số quận, huyện đã sử dụng bản đồ vẽ bằng phần mềm AutoCAD hoặc Microstation nhưng phần lớn các nơi do hệ thống thiết bị máy móc còn nghèo nàn, chuyên viên chưa được làm quen với GIS nên bản vẽ giấy vẫn hiện diện. Bản đồ giấy thường có độ chính xác thấp, khó xác minh ranh giới sử dụng đất, chủ sử dụng đất, nên độ tin cậy chưa cao, nhất là với tình trạng đất đai biến động nhiều như hiện nay thì việc cập nhật thông tin theo phương pháp thủ công (đo vẽ lại bản đồ) không thể theo kịp.

(Theo PCWorld)


Newer news items:

Joomla! Template design and develop by JoomVision.com - http://www.joomvision.com